Nông dân Từ Bá Đạt ở Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú - An Giang đã lai tạo thành công giống nếp thơm (tạm đặt tên BĐ1) cho năng suất từ 8-10 tấn/héc-ta, chất lượng cơm nếp thơm, dẻo. Thành công của ông mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân mê trồng nếp. Sau gần 4 năm miệt mài nghiên cứu, ông Đạt đã lai tạo và sản xuất thực nghiệm để cho ra kết quả giống nếp thơm mới có năng suất vượt trội so với các giống nếp đặc sản của vùng chuyên canh nếp Phú Tân từ 1-1,5 tấn/héc-ta, đạt độ dẻo và mùi thơm. Tâm huyết với nghề nông nên ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều nông dân trong vùng cùng sản xuất để tìm cơ hội làm giàu. Đồng thời, ông hợp tác với Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm định giống nông nghiệp xác lập tiêu chuẩn sản xuất giống để nông dân sử dụng. Theo ông Đạt, đến vụ thu đông 2013 này, nông dân vùng Tân Lập (Tịnh Biên) trồng khoảng 200 héc-ta, vùng Thạnh Mỹ Tây và Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) trồng hơn 100 héc-ta, vùng Bình Chánh và Bình Phú (Châu Phú) khoảng 50-60 héc-ta giống nếp mới BĐ1 do ông lai tạo.
Ông Đạt cho biết, việc lai tạo giống nếp thơm mới bắt đầu từ vụ đông xuân 2009-2010. Ý tưởng chọn giống bố là lúa Jasmine để có mùi thơm đặc trưng, còn nếp NK1 (mẹ) có độ dẻo và mềm cơm, gộp lại hai gen trội để cho ra giống nếp vừa thơm, vừa dẻo và mềm. Tuy nhiên, dòng sản phẩm F1 đầu tiên cho ra 3 loại, gồm nếp hạt trong có mùi thơm chiếm 30%, hạt đục thì không thơm (65%), còn một số hạt đục thơm nhẹ (nhận gen cả cha và mẹ). Sau đó, ông lấy dòng F1 gieo trồng tiếp và cho ra dòng F2 gồm 50% hạt đục và 50% hạt trong. Tiếp tục chọn những hạt đục có mùi thơm lai hồi giao với giống nếp mẹ NK1 và lập lại 3 lần, cuối cùng cho ra thế hệ F5 vừa có mùi thơm và tỷ lệ hạt đục trên 80%. Chọn quần thể có nhiều hạt đục (dòng F6) trồng tiếp và cho ra dòng F7 với số hạt đục có mùi thơm vượt trên 85%. Tách vỏ, chọn hạt đục có mùi thơm gieo trồng tiếp, đến dòng F9 là nếp thuần có mùi thơm và hạt đục chiếm 99,9%. Giống nếp thơm mới có thời gian sinh trưởng từ 90-105 ngày, thích nghi canh tác ở nhiều vùng đất. Ưu điểm là cho năng suất khá cao và ổn định, vụ đông xuân đạt gần 10 tấn nếp tươi/héc-ta, vụ hè thu khoảng 8 tấn và thu đông trên 9 tấn. Về sâu bệnh, ít nhiễm rầy nâu và sâu cuốn lá, đạo ôn cũng thấp hơn. Cây cao và cứng, ít đổ ngã, phù hợp cho cơ giới hóa lúc thu hoạch…
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, vụ đông xuân 2012-2013, ông quyết định nhân giống 2 héc-ta để cung ứng giống nếp mới cho nông dân trong vùng Thạnh Mỹ Tây sản xuất nếp hàng hóa. Vụ hè thu 2013, tổng diện tích sản xuất nếp thơm BĐ1 khoảng 40-50 héc-ta, nông dân thu hoạch đạt năng suất trên 8 tấn nếp tươi/héc-ta, bán cho thương lái giá từ 6.000-6.050 đồng/kg, cao hơn nếp Phú Tân khoảng 500 đồng/kg. Giá thành sản xuất khoảng 3.600 đồng/kg nên nông dân có lãi 2.400 đồng/kg, tương đương với hơn 19 triệu đồng/héc-ta.
Thắng lợi vụ hè thu, nhiều nông dân các vùng lân cận tìm đến Tổ hợp tác nông nghiệp xã Thạnh Mỹ Tây (chuyên nhân giống lúa- nếp, có 23 thành viên với khoảng 40-50 héc-ta) để mua giống nếp mới BĐ1 về sản xuất. Để nông dân yên tâm canh tác, ông chuyển giao kỹ thuật sản xuất và kiểm tra quy trình nhân giống, đồng thời ký hợp đồng với Trung tâm Kiểm định, kiểm nghiệp giống nông nghiệp kiểm định quy trình sản xuất và xác nhận sản phẩm nếp thơm đạt chất lượng giống. Tính đến vụ thu đông 2013, tổng diện tích trồng nếp thơm BĐ1 khoảng 350-360 héc-ta, ước sản lượng thu hoạch 3.000 tấn.
Thông tin liên hệ mua hàng & hỗ trợ khách hàng:
Xem thêm