MẮM CHÂU ĐỐC - ĐẶC SẢN AN GIANG NGON NỨC TIẾNG BẠN BIẾT CHƯA?
Người ta cứ bảo, dân miền Tây là phải biết ăn mắm. Nhiều lúc tôi cũng hỏi: “Mắm cũng là một loại thức ăn, có người ăn được thì cũng có người ăn không được mà?”. Nhưng dần lớn lên, nhất là lúc đi học xa nhà, xa quê, tôi mới dần thấm thía được câu nói trên. Người dân Châu Đốc nói riêng, dân miền Tây nói chung, ăn mắm không phải vì mùi vị của nó mà còn ăn cả những tình cảm, những câu chuyện ẩn sâu phía sau ấy.
Mắm cá Châu Đốc:
Đặc sản mắm Châu Đốc ra đời gần 150 năm, nổi tiếng trong và ngoài nước với hàng trăm loại mắm ngon và mang hương vị rất riêng. Công đoạn chế biến mắm rất công phu, phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn. Cá tươi sau khi được phân loại, làm sạch (mổ bụng bỏ hết ruột) sẽ được đem ướp với muối hột và đựng trong các lu, khạp. Sau khoảng 30 ngày, cá muối sẽ được vớt ra rồi đem rửa sạch lại với nước ngọt để cho thật ráo và đem tẩm ướp “thính”.
“Thính” được chế biến từ gạo thơm đặc sản đem rang chín, xay nhuyễn thành bột màu vàng và có mùi thơm đặc trưng. Đây là giai đoạn rất công phu và quan trọng của việc làm mắm. Cá thính xong, người ta tiến hành xếp từng lớp cá vào các lu, khạp. Sau đó, dùng manh đệm hoặc miếng mê rổ trải phủ bề mặt lu, khạp và dùng các thanh tre cài chéo sao cho tấm phủ không bị hở khỏi lớp cá và miệng lu, khạp.
Tiếp theo người ta sẽ đổ lên trên tấm phủ một lớp nước mắm cốt được nấu từ cá đồng. Sau 60- 90 ngày, lớp nước mắm này sẽ chuyển sang màu đỏ và rất trong. Cuối cùng là công đoạn chao mắm với đường thốt nốt đã được thắng chín và để nguội. Những người làm trong nghề lâu năm cho biết, họ chỉ dùng đường thốt nốt đầu mùa ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn bởi nó có vị ngọt béo và hương thơm dịu.
Bên cạnh đó, lượng đường và các gia vị đi kèm trong quá trình chao mắm cũng quan trọng không kém. Vì nó tạo ra hương vị mắm khác nhau của từng người chế biến và được xem như bí quyết nhà nghề, mang tính gia truyền. Mắm sau khi chao đường được 3- 5 ngày là có thể dùng được.
Mua mắm cá ở đâu?
Mắm Châu Đốc có bán khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở chợ Châu Đốc. Bởi thế bất cứ du khách nào khi đến xứ này, việc nhất định phải làm đó là ghé chợ, trước ngắm sau mua vài loại mắm về làm quà. Nếu là lần đầu ghé đến ngôi chợ địa phương này, bạn chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi mắm, khô cá có ở khắp mọi nơi. Những con mắm lóc, mắm sặt, mắm linh, mắm ba khía chất thành “núi”, những hàng cá khô đủ loại cực kỳ hấp dẫn.
Hình thù mắm cũng vô cùng đa dạng. Vì tùy từng loại cá, cách thức chế biến mà người ta có thể xé nhỏ, để nguyên con, lóc lấy phi lê hoặc để cả xương. Người bán ở đây thì vô cùng niềm nở, sẵn sàng mời mọc bạn nếm thử những món đặc sản địa phương tuyệt vời. Mà đôi khi chẳng cần vậy, chính mùi thơm lôi cuốn cùng hương vị đầy thách thức của những loại cá này cũng đủ khiến những vị khách của nó đổi ý từ dạo quanh cho biết đến mua một vài ký về làm quà tặng.
Một vài loại mắm dễ ăn mà bạn có thể mua tại chợ là mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm trèn, mắm rô, mắm chốt... Những loại này ăn sống hay dùng chưng, nấu mắm (mắm kho, bún, lẩu) đều rất ngon. Đặc biệt khô cá tra ở đây là cá tra từ Biển Hồ (Campuchia), thịt ngọt tự nhiên, lại được phơi khéo, canh vừa nắng nên thịt thơm béo, không bị tanh.
Vào những ngày sau Tết Nguyên Đán, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang lại tiếp đón hàng ngàn du khách thập phương về tham dự Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Đây cũng là dịp người dân Châu Đốc tích cực làm mắm để phục vụ nhu cầu của nhiều du khách. Những ngày này, chợ Châu Đốc và khu vực quanh núi Sam luôn đông đảo và tấp nập. Khách du lịch sau khi tham quan, hành hương miếu Bà vẫn không quên ghé mua đặc sản mắm Châu Đốc về làm quà cho người thân, gia đình và bạn bè.
GỌI NGAY: 0919 340 039 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN SẢN PHẨM PHÙ HỢP
Xem thêm